Dòng người chen chân vào cúng Bà Chúa Xứ núi Sam đầu năm Giáp Thìn 2024 - Ảnh: BỬU ĐẤU
Thông tin từ báo cáo "Kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023" của Bộ Tài chính vừa gửi Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Hà Nội dẫn đầu số thu tiền công đức: 672 tỉ đồngBáo cáo cho biết con số 4.100 tỉ đồng trên là không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo.
Và đó mới là con số thu của 15.324 di tích (49%) trong tổng số 31.581 di tích được xếp hạng hoặc trong danh sách kiểm kê di tích trên cả nước có báo cáo. Nhiều di tích có thu chi công đức nhưng không báo cáo.
Trong tổng số 4.100 tỉ đồng tiền công đức, tài trợ cho di tích thì số thu tại các cơ sở tín ngưỡng là 3.062 tỉ đồng (75%). Số thu tại các cơ sở tôn giáo 1.038 tỉ đồng (25%).
Cao nhất là 7 di tích thu trên 25 tỉ đồng, gồm: miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang 220 tỉ đồng; đền Bảo Hà ở Bảo Yên, Lào Cai 71 tỉ đồng; khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo ở Bà Rịa - Vũng Tàu 34 tỉ đồng;
Đền Sòng Sơn ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa 28 tỉ đồng; Đền Hùng ở Phú Thọ 26 tỉ đồng và 2 di tích ở Hà Nội: đình La Khê ở Hà Đông 28 tỉ đồng và đền Trình Ngũ Nhạc (chùa Hương) ở Mỹ Đức 33 tỉ đồng.
Có 7 tỉnh, thành phố có số thu trên 200 tỉ đồng, gồm: Hà Nội 672 tỉ đồng, Hải Dương 278 tỉ đồng, An Giang 277 tỉ đồng, Bắc Ninh 269 tỉ đồng, Hưng Yên 242 tỉ đồng, Nam Định 215 tỉ đồng.
Tỉnh Quảng Ninh được giao thực hiện thí điểm việc kiểm tra, số thu 4 tháng đầu năm 2023, đạt trên 67 tỉ đồng (đã bổ sung số thu tại chùa Ba Vàng và một số di tích), ước thu cả năm trên 200 tỉ đồng.
Có 9 tỉnh, thành phố có số thu trên 100 tỉ đồng đến dưới 200 tỉ đồng, gồm: Hải Phòng 183 tỉ đồng, Thái Bình 169 tỉ đồng, Vĩnh Phúc 127 tỉ đồng, Bắc Giang 122 tỉ đồng, Phú Thọ 119 tỉ đồng, Lào Cai 116 tỉ đồng, Nghệ An 115 tỉ đồng, Ninh Bình 110 tỉ đồng, Thanh Hóa 105 tỉ đồng.
Tổng số chi trong năm 2023 là 3.612 tỉ đồng. Trong đó chi quản lý là 445 tỉ đồng (12%); chi hoạt động lễ hội là 692 tỉ đồng (19%); chi tu bổ, tôn tạo di tích là 1.643 tỉ đồng (46%);
Các khoản chi tuyên truyền, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình phụ trợ tại di tích là 542 tỉ đồng (15%); chi hoạt động từ thiện, nhân đạo là 290 tỉ đồng (8%).
Báo cáo thu chi tiền công đức "mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ"Bộ Tài chính đánh giá việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích đã và đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng công khai, minh bạch kể từ khi Bộ Tài chính ban hành thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19-1-2023.
Tuy nhiên đa số báo cáo của địa phương cho rằng số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ.
Như các di tích tư nhân, nhà thờ dòng họ không báo cáo. Các di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được báo cáo là không có thu, chi công đức, tài trợ.
Tại các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31% tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo.
Với các di tích có báo cáo thì con số có thể cũng không đầy đủ bởi nếu di tích có đặt đĩa, đặt khay trên các ban thờ để người dân đặt tiền công đức mà không có camera giám sát thì việc "có bảo đảm minh bạch hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của người đại diện di tích".
Công đức bằng chuyển khoản là bình thường, văn minh, dễ kiểm soát
Theo Bộ Tài chính, việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản quét mã QR đang phát triển nhanh.
Hiện nay thanh toán không dùng tiền mặt không còn xa lạ, đang trở thành thói quen của mọi người, thì việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản là bình thường, vừa văn minh vừa dễ dàng kiểm soát, không cản trở hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.